BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH RÈN LUYỆN KỸ NĂNG NÓI TIẾNG ANH

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Tiếng Anh ngày nay là ngôn ngữ quốc tế trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Do vậy, việc học tiếng Anh đang trở thành một nhu cầu cần thiết và cấp bách giúp chúng ta tiếp cận, mở rộng hiểu biết với nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục đã có định hướng chiến lược cho việc tổ chức dạy học môn Tiếng Anh với mục đích giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp – kĩ năng nói tốt hơn.

  1. THỰC TRẠNG:
  2. Thuận lợi:

– Có sự quan tâm của ngành cấp trên, Ban giám hiệu, Phụ huynh và giáo viên.

– Học sinh đang dần có cái nhìn tích cực hơn với môn học này và đa số các em rất ham thích học.

– Biên chế giáo viên đảm bảo theo nhu cầu phát triển của nhà trường; đồng thời giáo viên được đào tạo theo chuẩn, có sự nhiệt tình, năng lực và có tích luỹ được kinh nghiệm.

  1. Khó khăn:

– Còn một số ít HS gặp khó khăn trong việc tiếp cận và nắm bắt ngôn ngữ mới. Từ đó, có ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy-học.

– Hầu hết HS ở vùng nông thôn, phát âm tiếng địa phương nên khi nói tiếng Anh không chuẩn, thường có xu hướng phát âm tiếng Anh theo cách Việt hoá.

  1. MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG NGHE – NÓI TIẾNG ANH:

Qua nhiều năm trải nghiệm dạy tiếng Anh, bản thân tôi đã vận dụng một số phương pháp trong việc dạy kĩ năng nói cho học sinh nhằm tạo cho các em hứng thú và tự tin trong giao tiếp. Tăng cường thời lượng thực hành kỹ năng, hoạt động giao tiếp của học sinh trong giờ học là điều cần thiết.

  1. Rèn luyện phát âm chuẩn cho học sinh:

Trong quá trình học ngoại ngữ, muốn người khác hiểu nội dung mình nói gì trong khi giao tiếp bằng tiếng Anh, học sinh cần phải phát âm từ và câu một cách rõ ràng. Với học sinh vùng nông thôn do không có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, ít nghe băng đĩa tiếng Anh nên có xu hướng phát âm tiếng Anh theo cách Việt hoá. -Vì vậy, ngay từ đầu giáo viên tiếng Anh phải phát âm thật chuẩn để các em bắt chước và đây là một trong những yếu tố cơ bản trong việc dạy nghe-nói, giáo viên kiên trì luyện tập phát âm cho học sinh để tạo cho các em có thói quen phát âm đúng và phải phát âm đúng.

Một số trường hợp khó khi phát âm và một số cách để phát âm đúng

– Tập cho các em thói quen đọc nối từ

VD: It’s a pen.

I usually get up at 6 o’clock.

Look at him.

– Luyện tập cho các em cách phát âm có các âm cuối như: bat , notebook

– Đối với hình thức số nhiều (plural) cần luyện tập cho các em phát âm:

  • s là /s/ khi đứng sau phụ âm vô thanh như: casettes, notebooks
  • s phát âm là /z/ khi đứng sau nguyên âm hoặc phụ âm hữu thanh như: robots, bats,
  • s phát âm là /iz/ khi đứng sau những âm như: -s-, -z-, -sh-,-tch như pencil cases

– Cần chú ý: dấu nhấn (Stress), nhịp điệu (Rhythm), ngữ âm, ngữ điệu (Intonation) là những yếu tố quan trọng trong khi nói Tiếng Anh, vì nó giúp người nghe dễ hiểu nội dung cuộc nói chuyện.

  1. Rèn luyện tín hiệu phi ngôn ngữ:

– Kiểm soát tầm nhìn (nhìn xa, gần, nhìn vào người đang đối thoại, cần thể hiện ánh mắt linh hoạt, tập trung…) tránh kiểu nhìn lơ đểnh khi đang nói.

– Chú trọng đến yếu tố cử chỉ điệu bộ (khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, gật đầu, lắc đầu…)

– Giữ tác phong lịch sự khi giao tiếp (tóc, quần áo…).

  1. Tập cho học sinh phản xạ nhanh bằng tiếng Anh:

– Thay thế từ không biết bằng một cụm từ khác đã biết, không sợ mắc cỡ khi nói sai.

– Không nên ngầm hiểu sang tiếng Việt rồi mới dịch sang tiếng Anh.

  1. Tổ chức hoạt động theo cặp- nhóm:

– Đây là hoạt động đắc lực và lý tưởng nhất trong quá trình luyện nói, vì giúp học sinh  được làm việc cùng một thời gian, đồng thời cùng giải quyết được nhiều vấn đề.

– Học sinh học tập lẫn nhau trong quá trình luyện tập, đó là cơ hội để chia sẻ thông tin và hỏi những điều mình chưa rõ, đồng thời người giáo viên cũng dễ dàng kiểm soát học sinh. Vì có thể dễ quan sát, lắng nghe và hướng dẫn, hỗ trợ khi cần thiết.

àMột số hoạt động theo cặp – theo nhóm được áp dụng:Find Someone Who, Picture Story, Mapped Diologue…

  1. Kịp thời hướng dẫn, sửa lỗi sai cho học sinh:

– Khi học sinh đang thực hành phát âm một câu nói nào đó cho đúng thì đây là thời điểm thích hợp để giáo viên sửa lỗi khi các em đọc sai.

– Đối với trường hợp khi học sinh đang tập trung suy nghĩ và tìm ý tưởng từ vựng để thể hiện một nội dung nào đó, giáo viên không nên ngắt lời để sửa lỗi vì điều này sẽ làm mất đi sự tự tin, tính hiếu động, thích tham dự vào các hoạt động rèn luyện giao tiếp tiếng Anh của các em.

– Giáo viên cần có thái độ tích cực đối với lỗi ngôn ngữ của học sinh. Chấp nhận lỗi như một phần tất yếu trong quá trình học ngoại ngữ, giúp học sinh học tập được từ chính lỗi của bản thân và bạn bè.

  1. Các bước luyện nói cho HS:

Trong qua trình luyện nói, phải tuân theo qui trình bao gồm:

  1. Chuẩn bị nói (Pre – Speaking)

– Giới thiệu bài nói mẫu

– Luyện đọc cho HS (Chú ý cách phát âm)

– GV dùng câu hỏi gợi mở để HS tự rút ra cách sử dụng từ và cấu trúc câu.

  1. Luyện nói có kiểm soát (Controlled Practice)

– HS dựa vào tình huống gợi ý (qua tranh vẽ, từ ngữ cấu trúc câu cho sẵn hoặc bài hội thoại mẫu) để luyện nói theo yêu cầu.

– HS luyện theo cá nhân/cặp/nhóm dưới sự kiểm soát của GV (sửa lỗi phát âm, lỗi ngữ pháp, gợi ý từ …)

– GV gọi cá nhân hoăc cặp HS trình bày phần thực hành nói theo yêu cầu.

  1. Luyện nói tự do (Free Practical Production)

– HS sử dụng mẫu câu để nói về những đồ vật xung quanh chúng.

– GV không nên hạn chế về ý tưởng cũng như ngôn ngữ, nên để HS tự nói, phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

III. KẾT LUẬN

Như đã đề cập, môn Tiếng Anh luôn có một vị trí và vai trò quan trọng đối với chương trình giáo dục phổ thông nói chung và ở trường THCS nói riêng. Vì vậy, khi thực hiện dạy học bộ môn tiếng Anh người giáo viên phải biết lựa chọn phương pháp phù hợp sẽ giúp cho học sinh càng ngày càng tự tin hơn trong giao tiếp, bước đầu tiếp cận việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai thật chuẩn và chính xác, tạo tiền đề cho những lớp học, cấp học sau này được tốt hơn./.