Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc học tập, đặc biệt là biện pháp học sinh làm việc theo nhóm nhằm góp phần nâng chất lượng bộ môn .
- ĐẶT VẤN ĐỀ:
Trong thời đại ngày nay, khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển thì yêu cầu làm việc theo nhóm là cần thiết hơn bao giờ hết. Đơn giản là vì không ai hoàn hảo, làm việc theo nhóm có thể tập trung những mặt mạnh của từng người và bổ sung, hoàn thiện cho nhau những điểm yếu.
Dạy học chia nhóm được hiểu là cách dạy học, trong đó các học sinh được chia thành các nhóm nhỏ, cùng nhau nghiên cứu giải quyết các vấn đề mà giáo viên đặt ra, từ đó giúp học sinh tiếp thu được một kiến thức nhất định nào đó. Nhằm giúp học sinh phát triển kĩ năng giao tiếp. Phát triển năng lực nhận thức và tư duy của học sinh. Phát triển nhân cách học sinh.
- NỘI DUNG:
Hoạt động hợp tác trong nhóm sẽ làm cho từng thành viên quen dần với sự phân công hợp tác trong lao động xã hội, hiệu quả học tập sẽ tăng lên nhất là lúc phải giải quyết những vấn đề gây cấn, lúc xuất hiện thực sự nhu cầu phối hợp giữa các cá nhân để hoàn thành công việc.
-Trong hoạt động hợp tác, mục tiêu hoạt động là của toàn nhóm, nhưng mỗi cá nhân được phân công một nhiệm vụ cụ thể, phối hợp nhau để đạt mục tiêu chung : Mô hình hợp tác trong xã hội đưa vào đời sống học đường có tác dụng chuẩn bị cho học sinh thích ứng với đời sống xã hội trong đó mỗi người sống và làm việc theo sự phân công hợp tác với tập thể cộng đồng.
– Tất cả các thành viên trong nhóm đều có cơ hội tham gia chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm của mình với cả nhóm. Trong quá trình quan sát các nhóm làm việc giáo viên có thể thay đổi cấu trúc của nhóm để tạo cơ hội cho các thành viên có dịp trao đổi nhiều người với nhau. Xây dựng ý thức làm việc theo nhóm.
1.Các bước trong tổ chức dạy học theo nhóm:
– Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm
– Bước 2: Nhóm trưởng tổ chức cho từng cá nhân tìm hiểu nội dung kiến thức.
– Bước 3: Nhóm trưởng tổ chức thảo luận và ghi ý kiến chung. Giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ các nhóm (dạy học theo nhóm) hoàn thành nhiệm vụ chung khi cần thiết.
– Bước 4: Đại diện các nhóm trình bày kết quả, nhận xét, bổ sung, đánh giá.
– Bước 5: Các nhóm nêu những thắc mắc (nếu có)
– Bước 6: Đại diện nhóm giải đáp thắc mắc của các nhóm
– Bước 7: Hoạt động chung cả lớp (nếu cần thiết). Giáo viên tổ chức chốt lại kiến thức mới xuất hiện, đánh giá hoạt động học tập của nhóm.
Trong quy trình 7 bước tiến hành dạy học theo hình thức hoạt động nhóm thì: Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm là một trong những nội dung hoạt động quan trọng góp phần làm nên thành công của hoạt động nhóm.
2.Cần lưu ý trong tổ chức dạy học theo nhóm:
– Dạy học theo nhóm đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị kĩ lưỡng kế hoạch dạy học, lựa chọn những nội dung thực sự phù hợp với hoạt động nhóm và thiết kế được các hoạt động giúp các em lĩnh hội, khám phá kiến thức mới một cách tốt nhất.Phương pháp dạy học theo nhóm được sử dụng nhằm khai thác vốn kiến thức mà các em đã tích luỹ, những hiểu biết thực tế trong đời sống hoặc vận dụng kiến thức vào cuộc sống lao động sản xuất.
– Cần kết hợp phương pháp dạy học theo nhóm với các phương pháp đặc trưng bộ môn trên cơ sở nội dung bài học . Các phương pháp nầy phát huy tính tự giác, tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh dưới sự tổ chức chỉ đạo của giáo viên. – Việc lựa chọn đúng và sự kết hợp hài hoà các phương pháp dạy học nhằm đạt hiệu quả cao phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, nghệ thuật sư phạm và lòng nhiệt tình, ngoài trình độ chuyên môn , nghiệp vụ và vốn sống của người thầy.
– Lớp học được chia làm 4 -6 nhóm mỗi nhóm có khoảng 6-8 học sinh. – Nhóm tự bầu ra 1 nhóm trưởng để điều khiển hoạt động của nhóm , một thư ký để ghi chép kết quả thảo luận của nhóm. Mỗi thành viên trong nhóm đều phải làm việc tích cực không được ỷ lại 1 vài người có hiểu biết và năng động hơn các thành viên trong nhóm giúp đỡ lẫn nhau tìm hiểu vấn đề trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp.
III. KẾT LUẬN
Dạy học theo nhóm nhằm nâng cao tính tương tác giữa các thành viên trong nhóm, tăng cường động cơ học tập, nảy sinh hứng thú, kích thích giao tiếp, chia sẻ tư tưởng, hướng giải quyết vấn đề, tăng cường kĩ năng biểu đạt, phản hồi…Qua đó, nhằm phá huy năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh như A.T.Francisco (1993): ” Học tập nhóm là một phương pháp học tập mà theo phương pháp đó học viên trong nhóm trao đổi, giúp đỡ và hợp tác với nhau trong học tập”./.