Trong công tác giáo dục, các thầy cô giáo không khỏi băn khoăn về một số phương pháp quản lí lớp học thế nào cho hiệu quả, không gây tổn hại đến thể chất cũng như tinh thần của học sinh. Vì thế, đổi mới công tác chủ nhiệm với phương pháp quản lí lớp học bằng các biện pháp giáo dục tích cực thực sự thu hút được sự quan tâm của xã hội và đặc biệt của những người đang đứng trên bục giảng.
1. Biện pháp 1: Thay đổi cách cư xử trong lớp học:
Thay đổi cách cư xử là dựa trên cơ sở động viên, khuyến khích, nêu gương, tìm hiểu nhằm thúc đẩy học sinh có thái độ và hành vi đúng.
Giáo viên cần nắm bắt được tình hình, đặc điểm lớp học từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp. Giáo viên cần ghi nhận những cố gắng và kết quả mà các em đạt được về mọi mặt học tập, nề nếp hay tham gia các hoạt động văn thể mĩ của trường. Đồng thời khuyến khích các em phát huy thế mạnh của mình, kích thích sự tích cực của mỗi cá nhân trong lớp học. Giáo viên cần tuyên dương học sinh có tiến bộ trong mỗi tuần. Sự động viên, khích lệ kịp thời của giáo viên sẽ có sức mạnh cổ vũ sự tự ý thức của học sinh.
Giáo viên nhận xét, góp ý một cách khéo léo về những điều mà các em chưa làm được hoặc làm chưa tốt, giúp các em học sinh cảm nhận được sự tin tưởng của thầy cô dành cho mình.
Mỗi lời nói, mỗi hành động, tác phong cũng như cách cư xử của giáo viên trên lớp sẽ có tác động không nhỏ đến nhận thức và tình cảm của học trò. Cho nên, mỗi giáo viên phải là một tấm gương sáng về nhân cách để học sinh noi theo.
2. Biện pháp 2: Quan tâm đến những khó khăn của học sinh:
Mỗi HS đến trường với những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau cả về vật chất lẫn tinh thần ( sức khỏe, nhận thức, tâm lí…). Những điều kiện đó ảnh hưởng rất lớn đến quá
trình học tập và rèn luyện đạo đức của các em trên lớp. Vì vậy, quan tâm đến những khó khăn của học sinh là việc làm vô cùng cần thiết.
Giáo viên nên tìm hiểu kĩ về hoàn cảnh của từng học sinh và đặc biệt chú ý đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn tình cảm do cha hoặc mẹ mất sớm, cha mẹ li hôn, gia đình bất hòa, cha mẹ thiếu sự quan tâm. Giáo viên lúc này không chỉ đóng vai trò là người thầy mà còn là người bạn gần gũi, thân thiện, được học sinh tin tưởng tâm sự, sẻ chia những khó khăn, vướng mắc của mình. Giáo viên cần lắng nghe và gợi ý, định hướng cho học sinh giải quyết những khó khăn của mình.
Giáo viên liên hệ, trao đổi qua điện thoại hoặc tìm đến gia đình những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hiểu và có sự cảm thông đối với các em. Giáo viên có thể thông qua trước lớp việc miễn lao động, đối với những học sinh nhà xa, thể chất yếu. Cuối mỗi học kì, giáo viên chú ý khen ngợi, động viên những học sinh vượt khó vươn lên trong học tập.
3. Biện pháp 3: Tăng cường sự tham gia của học sinh trong việc xây dựng nội quy:
Nội quy là những điều quy định để bảo đảm trật tự và kỷ luật của lớp học. Nội quy lớp học được xây dựng trên cơ sở ý kiến của tập thể lớp, cha mẹ học sinh. Học sinh là người tự đề ra nội quy và thực hiện theo nội quy đó. Điều này có ý nghĩa tác động vào tinh thần tự giác của học sinh, tình thần tôn trọng kỉ luật tập thể mà chính các em đề ra.
Giáo viên và Ban cán sự lớp kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc chấm điểm về ý thức kỉ luật của các thành viên trong lớp để đảm bảo sự khách quan và công bằng. Việc chấm điểm trong quá trình thực hiện nội quy sẽ kích thích sự hào hứng, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các thành viên trong lớp học.
4. Biện pháp 4: Tổ chức các hoạt động xây dựng tập thể lớp:
Một tập thể lớp tốt là một tập thể đoàn kết, thân ái, thân thiện, cởi mở, tôn trọng nhau. Để xây dựng tập thể đó giáo viên cần tăng cường tổ chức các hoạt động nhóm, tổ chức trò chơi hoặc hướng dẫn học sinh tự tổ chức trò chơi trong các giờ sinh hoạt lớp. Thiết nghĩ những giờ sinh hoạt vui chơi như vậy sẽ giúp học sinh mạnh dạn hơn, tăng cường sự gắn bó đoàn kết trong lớp học.
5. Biện pháp 5: Một số hình phạt tích cực:
Mục tiêu của giáo dục là phát triển con người một cách toàn diện, chú trọng giáo dục, tác động, uốn nắn hành vi hơn là trừng phạt, răn đe. Trong một số trường hợp học sinh cá biệt, vi phạm nội quy trường lớp, các biện pháp giáo dục ý thức kỉ luật học sinh tỏ ra bất lực thì các hình thức kỉ luật bằng hình phạt mới được đưa vào để giáo dục. Biện pháp kỉ luật bằng hình phạt phải không gây tổn hại đến thể xác, tinh thần của các em như : lao động tích cực (vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, chăm sóc Vườn sinh học…), đọc sách (kích thích ở HS khả năng tự đọc, tự học, hình thành ở HS thói quen đọc sách và tra cứu tài liệu)…
III. KẾT LUẬN
Phương pháp quản lí lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực là phương pháp giáo dục tiến bộ. Phương pháp này chủ yếu hướng tới sự tự giác, tự nhận thức và tự điều chỉnh hành vi của HS hơn là các áp dụng các biện pháp kỉ luật. Thực hiện tốt phương pháp này xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực; góp phần phát triển con người một cách toàn diện, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, cần nhân rộng, phát triển phương pháp trên tại các trường học phổ thông./.