BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH HỌC TỐT TỪ VỰNG TIẾNG ANH

Muốn học sinh giao tiếp tốt bằng Tiếng Anh, đòi hỏi các em phải có
một vốn từ cơ bản khá phong phú, từ đó có thể nghe hiểu và truyền đạt
được ý mình. Chính vì thế, việc nâng cao vốn từ vựng Tiếng Anh cho học sinh là một việc thật sự cần thiết.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Như chúng ta đã biết, Tiếng Anh là một trong những môn học rất quan trọng và gần như bắt buộc ở tất cả các trường từ tiểu học cho đến đại học. Một môn học mà được rất nhiều sự quan tâm từ các em học sinh đến cả phụ huynh .  Vậy chính vì đâu mà họ lại quan tâm đến thế? Là bởi vì họ thấy được sự cần thiết của môn học khi áp dụng vào thực tế đời sống và các lĩnh vực Kinh tế – Xã hội.

Nhưng vẫn còn đâu đó một bộ phận nhỏ học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng và thực sự quan tâm đến môn học này. Vậy một câu hỏi khác được đặt ra: Làm thế nào để cho học sinh thực sự say mê môn Tiếng Anh? Nếu muốn làm được như vậy thì chính giáo viên giảng dạy cần tạo cho các em một môi trường học tập sôi nổi. Đồng thời, giáo viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp, khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên, suy cho cùng thì việc dạy và học ngoại ngữ vẫn là việc dạy từ mới như thế nào? Dạy bao nhiêu từ trong một tiết là phù hợp? Dạy cấu trúc mới ra sao để các em dễ tiếp thu và vận dụng?

 

  1. NỘI DUNG:
  2. Công tác chuẩn bị trước khi dạy từ:

  Để việc dạy từ và giúp học sinh nhớ từ lâu, giáo viên phải chuẩn bị những việc sau đây:

– Lập kế hoạch dạy từ vựng sẽ được học hoặc ôn tập theo đặc trưng của từng tiết học.

– Lựa chọn trò chơi và thủ thuật cho phù hợp theo từng nội dung bài.

– Chuẩn bị một số đồ dùng dạy học ( bảng phụ dạy từ, bút lông, tranh, vật thật, thẻ bìa…..).

– Chuẩn bị máy tính, đèn chiếu nếu tiết dạy có sự hỗ trợ của việc ứng dụng công nghệ thông tin.

– Chuẩn bị, sắp xếp lớp học để tổ chức cho học sinh một số trò chơi có hiệu quả.

 

  1. Tiến trình thực hiện các thủ thuật:

– Có nhiều cách giúp học sinh nhớ từ lâu. Tuy nhiên mỗi bài học có đặc trưng riêng. Tùy vào từng nội dung bài dạy mà giáo viên có thể lựa chọn cách thức lựa chọn cho phù hợp. Giáo viên có thể thực hiện trong phần Warm up hoặc ngay sau khi dạy xong từ vựng.

– Giáo viên thực hiện các trò chơi hợp lý tạo không khí lớp học vui vẻ và sinh động giúp cho học sinh có một tâm lý thoải mái để nhớ từ trong bài. Có thể thực hiện dưới hình thức các trò chơi tập thể, nhóm, cặp hoặc cá nhân. Tuy nhiên, dù thực hiện dưới hình thức nào, giáo viên cũng cần tổ chức cho tất cả học sinh trong lớp theo dõi, nhận xét để các em cùng thực hiện.

 

  1. Các bước cơ bản dạy từ vựng:

Sau đây là một số phương pháp giúp học sinh học từ vựng hiệu quả:

 

+Charades :

– Mục đích của trò chơi này giúp các em nhớ một số từ mang tính chất miêu tả cảm xúc.

– Hoạt động này bao gồm nhiều dạng thức, nhưng tất cả đều dùng cử chỉ để diễn tả nghĩa.

– Đặt một số phiếu từ hoặc phiếu tranh úp mặt xuống bàn.

– Một học sinh nhặt 1 phiếu lên nhưng không báo cho cả lớp biết đó là từ gì.

– Học sinh đó phải dùng cử chỉ hoặc điệu bộ thể hiện nghĩa của từ đó.

– Yêu cầu các học sinh còn lại trong lớp đoán từ.

– Giáo viên có thể khuyến khích học sinh đoán đúng từ bằng cách cho điểm.

– Cũng có cách đơn giản hơn là không dùng phiếu từ hoăc phiếu tranh, mà giáo viên ghé tai nói thầm cho một học sinh một từ nào đó. Học sinh ấy làm như trên

 

+ Pair Race :

– Mục đích của trò chơi này giúp học sinh thể hiện sự năng động, sử dụng được trò chơi này giúp các em vừa nhớ được từ vừa giúp các em phát âm từ đó một cách chính xác.

– Tùy vào số lượng học sinh của lớp, giáo viên có thể xếp học sinh thành hai hàng.

– Đặt một số phiếu giáo viên lên rãnh phấn trên bảng.

– Giáo viên đọc to một từ bất kỳ nào trong phiếu.

– Hai học sinh đứng đầu hai hàng chạy đua lên bảng chạm tay vào phiếu có từ vừa gọi.

– Học sinh nào chạm tay vào trước và nói đúng từ đó thì được một điểm cho đội của mình.

– Cứ như thế cho đến học sinh cuối cùng của hàng.

 

+Chain game:

– Trò chơi này nhằm luyện trí nhớ cho học sinh. Hoc sinh khi tham gia trò chơi này phải thật sự tập trung qua đó giúp học sinh nhớ từ lâu hơn. Ngoài ra, học sinh có cơ hội nói, phát âm rõ ràng các từ đã học.

– Chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ ngồi quay mặt với nhau.

– Học sinh đầu tiên trong nhóm lặp lại câu của giáo viên.

– Học sinh thứ 2 lặp lại câu của học sinh thứ nhất và thêm vào từ khác.

– Học sinh thứ 3 lặp lại câu của học sinh thứ nhất, thứ 2 và thêm vào một từ mới tiếp theo, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi trở lại với học sinh thứ nhất

trong nhóm.

HS 1: In my house, there is a TV and a sofa.

HS 2: In my house, there is a TV, a sofa and a lamp.

HS 3: In my house, there is a TV, a sofa, a lamp and a sink.

HS 4: In my house, there is a TV, a sofa, a lamp, a sink and a TV.

HS 5: In my house, there is a TV, a sofa, a lamp, a sink, a TV and a telephone….

 

Tiếp theo là một số cách giúp học sinh học từ và ôn từ khi ở nhà:

   Học từ:

+ Luyện viết:

– Sau mỗi bài học, giáo viên yêu cầu học sinh về nhà luyện viết từ vào 1 cuốn tập từ vựng. Giáo viên có thể yêu cầu các em viết một số từ khó học, một số từ dài hoặc một số câu đơn giản có vận dụng từ mới. Mỗi một lần học sinh có thể viết 5 từ.

– Tiết học sau, học sinh mang vở cho giáo viên kiểm tra.

Ví dụ:

Let’s Go 2A

refrigerator, telephone, alligator……

+ Sau khi học từ vựng trên lớp, học sinh nên học từ ngay khi về nhà, không nên để cho đến tiết học tiếp theo mới học. Học sinh nên học thường xuyên, mỗi ngày học một hoặc ôn vài từ. Các em nên lập cho mình một thời gian biểu, quy định một khoảng thời gian nhất định trong ngày để học từ.

+ Mỗi học sinh nên trang bị cho mình một cái bảng nhỏ để có thể thường xuyên viết từ. Các em nên viết một từ nhiều lần lên bảng (học sinh vừa viết kết hợp với đọc từ) để nhớ từ được lâu.

+ Học sinh cũng có thể học từ thông qua một số bài hát hoặc bài thơ mà giáo viên đã dạy cho các em biết ở trường hoặc các em tự tìm tòi.

III. KẾT LUẬN
Nói tóm lại, việc học tập là do ý thức của mỗi học sinh nhưng để học sinh nhận thức được điều đó thì chính giáo viên phải là người cầm tay dẫn dắt các em. Nếu muốn các em học tốt, nhớ từ lâu thì giáo viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho khoa học, logic và hiệu quả. Để làm được như vậy thì giáo viên phải là người không ngừng học tập, tự nghiên cứu, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn và  luôn phát huy sao cho chất lượng học sinh ngày càng tiến bộ và học sinh ngày càng yêu thích môn Tiếng Anh hơn.