BÍ QUYẾT NGHE TIẾNG ANH HIỆU QUẢ

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

            Kỹ năng nghe tiếng anh có thể nói là đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các kỹ năng tiếng anh . Vì sao kỹ năng nghe được cho là quan trọng nhất ư? Hãy tưởng tượng rằng khi giao tiếp với người nước ngoài, ta có thể không nói được hoàn chỉnh, nhưng chỉ cần nghe hiểu đối phương nói gì , ta vẫn có thể dùng những cử chỉ hành động để diễn tả . Việc này giống như một người bị “Câm” giao tiếp vậy. Bạn có biết vì sao khi ta bị “Điếc” thường dẫn đến tình trạng “Câm” không. Vì ta không thể nghe được âm thanh giao tiếp, lâu dần ta sẽ mất luôn khả năng nói một ngôn ngữ.

            Mặc dù kỹ năng nghe là quan trọng nhất, và để nghe tiếng anh hiệu quả thì không khó nhưng những người luyện nghe tiếng anh thường cảm thấy nản vì không thể nghe kịp và đo lường được khả năng tiến bộ của mình .

  • Nguyên nhân vì sao nào ?
  • Và liệu rằng nghe nhiều có chắc là sẽ cải thiện kỹ năng nghe của bạn hay không?
  • Làm thế nào nếu bạn quá lười để kiếm bài nghe cho mình?
  • Và làm thế nào để nghe đúng cách và cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh của mình hiệu quả nhất?

Trong bài viết kỳ này, 4 bí quyết tôi sắp chia sẻ dưới đây sẽ giải đáp hết mọi thắc mắc của mọi người.

  1. NỘI DUNG:
  • BÍ QUYẾT 1: NGHE CHỦ ĐỀ YÊU THÍCH, KHƠI GỢI CẢM XÚC

Giải pháp cho việc làm những thứ yêu thích và nghe tiếng Anh là kết hợp cả 2 lại với nhau.

Nghe tiếng Anh với những chủ đề yêu thích sẽ làm cho việc tiếp thu trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng, học mà tưởng như chơi, hứng thú và cảm hứng của bạn luôn ở mức cao, đây là điều kiện cần thiết để bạn có thể duy trì thói quen nghe tiếng Anh hằng ngày.

Hãy giành 1 chút thời gian tìm kiếm những đoạn phim trên youtube về chủ đề bạn yêu thích bằng tiếng Anh và nghe nó với tất cả sự hứng thú.

Đó có thể là xem trực tiếp 1 trận bóng đá với bình luận tiếng anh; hướng dẫn nấu các món Việt Nam bởi 1 người nước ngoài; hướng dẫn cắm hoa theo kiểu Tây, Tàu, Ý, Hy Lạp gì đó; hướng dẫn trang điểm với Michelle Phan; nếu bạn thích du lịch thì hãy theo dõi nhưng kênh youtube chuyên về những kênh du lịch này.

Về cơ bản, bạn có thể tìm thấy MỌI THỨ mình yêu thích để xem và nghe trên youtube và google, cho nên đừng đổ thừa là không có gì để xem nhé!

  • BÍ QUYẾT 2: CHỌN NỘI DUNG NGHE PHÙ HỢP VỚI TRÌNH ĐỘ

Nghe nhiều thì tốt thật nhưng nếu nội dung nghe quá khó, chủ đề quá chuyên sâu thì việc nghe nhiều chỉ dừng lại ở mức là quen với các âm, tuy nhiên nếu nghe mãi mà không hiểu trong một thời gian dài thì sẽ sinh ra chán nản, thậm chí ám ảnh sợ tiếng Anh luôn nhất là đối với các bạn trình độ tiếng Anh còn cơ bản, chưa tập bò đừng vội tập chạy.

Với một đứa trẻ bản xứ nói tiếng Anh 4 tuổi, không ai cho nó tập nghe bằng cách cho nó chương trình CNN giờ cao điểm, hoặc đọc Harry Potter cho nó nghe cả, mà thay vì đó chọn những nội dung đơn giản, phù hợp với trình độ.

Khi nghe một nội dung, lý tưởng để phát triển kỹ năng nghe hiểu là bạn phải hiểu được 80% nội dung đó.

Cho dù nó là ở dạng chương trình radio, podcast, phim, chương trình TV, nó không được quá khó. Nếu nghe 1 nội dung mà bạn chỉ hiểu được tầm 60%, chắc chắn cảm thấy nản, chán học ngay. Nếu nội dung nghe mà bạn hiểu 100%, là ngáp dài ngáp ngắn, mất tập trung, cũng chán học luôn. Cố gắng tìm các nội dung nghe phù hợp hợp với trình độ, không dễ quá, cũng không cố quá, nhắm đến mức 80% là lý tưởng.

  • BÍ QUYẾT 3: NGHE, ĐỌC, VÀ LẶP LẠI

Đây là một trong những kĩ thuật cực kì hiệu quả mà bất cứ người giỏi Tiếng Anh nào cũng biết và áp dụng rất nhiều. Kỹ thuật này rất đơn giản, đúng như tên gọi của nó: Nghe, đọc và lâp lại.

  • Đầu tiên khi nghe một nội dung, hãy cố gắng nghe, không dịch sang tiếng Việt, cố hiểu các ý chính.
  • Sau đó vừa nghe vừa đọc lại transcript (bản ghi lại những từ được nói trong bài nghe).

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là 1 quá trình hết sức quan trọng, khi vừa nghe vừa đọc lại, não bộ sẽ ghép âm nghe được của từ với lại các ký tự của từ đó, quá trình này giúp chúng ta ôn lại các từ đã biết, học thêm các từ mới dưới dạng âm thanh, và chuyển dần nhiều từ từ vốn từ vựng thụ động sang vốn từ vựng chủ động.

  • Bước cuối cùng trong kỹ thuật này là đọc lặp lại thành tiếng.

Khi đọc lại, hãy copy hoàn toàn giọng đọc của người nói, từng chỗ nhấn nhá, từng chỗ ngừng nghĩ. Khi làm như vậy, bạn đã nghe bài nghe kết hợp nhiều giác quan với nhau, tại nghe, mắt đọc, miệng nói. Các liên kết thần kinh trong học tiếng Anh của bạn sẽ nâng cao lên đáng kể khi thực hiện kỹ thuật này thường xuyên.

  • BÍ QUYẾT 4: BỐN CHỮ… ĐOÁN

Khi nghe tiếng Anh ai cũng muốn tự tin nghe được 100% phải không nào. Thật ra với một người người không bản xứ học tiếng Anh, việc kì vọng hoàn toàn tự tin nghe hiểu là rất khó, do đó kỹ năng đoán là hết sức cần thiết.

  • Để có thể nghe tốt, việc đoán đầu tiên là phải đoán những gì sắp sửa được nghe, mục đích là để có những chuẩn bị về tinh thần và từ vựng cần thiết.

Chẳng hạn trong đoạn tin này “Men Escape American High Security Prison”. Đọc tựa đề dù chưa biết bên trong nói gì nhưng bạn có thể mượn tượng được phần nào nội dung của bài nói dựa vào các từ như prison, escape từ đó chuẩn bị tâm thế trong đầu mình là nghe về một nội dung có liên quan đến nhà tù.

  • Chữ đoán tiếp theo là đoán ý chính (main idea).

Việc đoán ý chính trong lúc nghe tưởng chừng hên xui nhưng hỗ trợ rất nhiều trong việc nghe ra ý chính của bài nghe. Đây là có thể gọi là kỹ thuật thử và sai, khi nghe chưa đủ dữ kiện để nghe ra ý chính, bạn cần phải đoán trong đầu một hoặc những ý chính dựa vào những gì đã nghe được. Việc này giúp bạn có được sự đối chiếu cần thiết, nếu ý bạn đoán là đúng, thì càng nghe bạn sẽ càng tìm được những luận điểm hỗ trợ, nếu ý chính bạn đoán là sai thì càng nghe ý chính thực sự sẽ lộ ra.

III. KẾT LUẬN

Cuối cùng, nghe hằng ngày, liên tục và thường xuyên là lời nhắc nhở của tôi trong mọi bài viết. Tiếng Anh cần một sự tích luỹ lâu dài và đều đặn trước khi có thể thấy một kết quả rõ ràng. Không có đường tắt ở đây, chỉ có nỗ lực, kiên trì và quyết tâm. Tất cả những bí quyết tôi giới thiệu ở trên, tất cả những kỹ thuật được những người học tốt tiếng Anh áp dụng và đúc kết đều là vô dụng với bạn nếu bạn không luyện tập nghe tiếng Anh hằng ngày. Cố gắng biến việc nghe tiếng Anh của mình thành một thói quen không thể thiếu được như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa mỗi ngày. Thời gian nghe mỗi ngày có thể nhiều, hoặc ít nhưng nhất thiết phải nghe, nếu bỏ một ngày, sẽ bỏ được 2 ngày, sẽ bỏ được 1 tuần và rồi bỏ luôn. Nếu muốn các em học tốt, giao tiếp giỏi thì việc đầu tiên mà giáo viên phải làm là phân tích tầm quan trọng của kỹ năng nghe Tiếng Anh. Đồng thời, giáo viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là về kỹ năng nghe sao cho khoa học, logic, hiệu quả và thực sự gây hứng thú cho các em.

                                       Untitled